Dì Út Thủy Ðỗ Tôi vừa có ý định viết về Dì thì nhận được tin không vui từ văn phòng bệnh viện. Có sự trùng hợp nào giữa số phận của Dì và tôi hay không? Tháng mười là tháng tai ương với tôi, có phải vậy không? Thôi thì cứ tạm thời cho nó ngủ một giấc, sau khi tôi kể xong chuyện của Dì rồi hẳn tính. Dì là con út của ngoại. Dì đẹp nhất nhà, vẻ đẹp của dì nhu mì, dịu dàng tỏa ra từ dáng điệu, nụ cười, giọng nói. Tên của dì nghe thật dễ thương, Ngọc Trinh. Ông Bà ngoại và các cậu dì khác đều cưng chiều dì Trinh. Sau khi xong tú tài phần hai, Ngoại không cho dì đi học xa nữa, dì vâng lời ngoại đi làm thư ký ở sở nào đó tại Đà Nẵng. Tôi thua dì đúng một con giáp. Các chú theo dì ai nấy đều oai phong, đẹp trai như những người trong truyện tình lâm ly bi đát. Chú Phố là phi công, thương dì đã mấy năm rồi. Dì thường dắt tôi theo, mỗi lần đi chơi riêng với chú. Chú Phố mặc bộ đồ bay, màu nào cũng đẹp, nhưng tôi thích cái màu trắng. Tà áo dài của dì quấn quít vào chân của chú Phố, đẹp như tranh. Họ thiệt là xứng đôi. Phố phường kẻ qua lại ,đều ngoái đầu dòm hai người, tôi hãnh diện lây. Lần đầu tiên, được dẫn vào rạp xi nê, tối đen như mực, tôi không dám bước, trì mình ngồi thụp xuống mò bậc thang cấp. Cả chú Phố và dì Trinh kéo tay tôi đứng dậy. Tôi có cảm tưởng như sắp hụt chân và mũi sắp chạm vào bức tường trước mặt. Rồi Chú Phố đưa dì cháu tôi đi vào cái bar nào đó ở Đà Nẵng. Đèn đủ màu chớp chớp, đẹp hơn cả sự tưởng tượng của tôi về những lâu đài, cung điện vua chúa trong những câu chuyện cổ tích của Ấn Độ. Ai nấy đều thơm nứt mùi nước hoa. Trong nhà Cố, có chú Võng trọ học, đang ngấm nghé dì Trinh. Chú viết thư tình, ép mấy bông hoa giấy bỏ vào, dán kín rồi hối lộ tôi vài viên kẹo để tôi mang qua nhà ngoại đưa cho dì. Dì la tôi không được nhận thư của chú Võng nữa. Sau đó, chú Võng tặng cho dì tôi sợi dây chuyền, có con cá đầu người với cái đuôi ngúc ngoắc, chú gọi là mỹ nhân ngư. Cũng nhờ tôi đưa, tôi sợ dì la nên lắc đầu. Nhưng chú năn nỉ quá, cầm lòng không đậu nên liều nhận sứ mạng và bảo chú hứa là không được nhờ nữa. Chú Võng hứa là lần cuối cùng nhờ đến tôi. Tôi lon ton chạy ra dì, thì bị dì mắng quá chừng, còn kéo tôi về cho Má tôi dạy nữa. Má tôi đánh mấy roi cho chừa cái tội lanh chanh, thích xen vào chuyện người lớn. Tôi chạy vô nhà Cố khóc lóc với chú Võng. Mặt chú buồn thiu. Sau đó chú dọn đi đâu, người thì bảo chú đi lính, kẻ bảo chú đi tu chùa nào đó. Sau bảy lăm, chú có ghé nhà ngoại một lần. Được biết chú đã xuất gia sau khi rời nhà Cố và đã hoàn tục. Ngoài ra còn có cậu Dinh, cậu Mười đều phải lòng dì Trinh của tôi. Nhưng hồn dì đã dành riêng cho chú Phố từ lâu. Chú Phố được đưa đi Mỹ học khóa hàm thụ gì đó, chú nói với dì xin bỏ lễ hỏi. Chờ chú học xong vài năm sau về sẽ làm đám cưới. Ngoại và các cậu, dì không đồng ý chờ đợi. Ai cũng bảo phi công bay bướm này nọ. Nhân có người cũng yêu thầm nhớ trộm dì Trinh từ lâu, cậy người tới nhà xin hỏi dì Trinh. Ngoại bằng lòng. Tôi nhớ dì tôi khóc như có đám ma không bằng. Tôi làm quân sư bảo dì trốn đi, mắc chi phải ưng cái ông lạ hoắc đó. Tôi chỉ thích dì với chú Phố thôi. Cái ông lạ hoắc đó là chú Nhủ. Người to lớn dềnh dàng, cũng ngành không quân, nhưng ở mặt đất chứ không bay lượn trên không như chú Phố. Chú Nhủ bắt ép dì Trinh không được mặc màu tím hoa cà. Cái dù, cái bóp, cái vòng màu hoa cà đều bị chú Nhủ bảo lột bỏ. Dì tôi khóc và vâng lời tháo sạch. Thậm chí cái đồng hồ cũng bị bắt lột. Tôi không hiểu tại sao. Dì Trinh nói, sau cái lưng đồng hồ có chữ P, chú Nhủ không thích nên dì Trinh phải chiều lòng dứt bỏ tất cả. Sau Mậu Thân tôi có ở nhà vợ chồng dì một thời gian. Chú Nhủ cưng dì như cưng trứng. Lúc dì mang thai em Trâm gần ngày sinh, đêm nào chú cũng thức thoa bụng, xoa lưng cho dì. Nhà chỉ có một cái giường, tôi sợ ma không dám nằm ngoài, cứ chen vào giữa chú Nhủ và dì mà nằm. Ban đêm dì muốn làm chuyện riêng, thì chú Nhủ bồng dì đi, không cho dì tự bước vì sợ dì té. Tôi ước mơ sau này có chồng thì chồng của tôi giống như chú Nhủ vậy. Chú Nhủ coi dì tôi như con của chú không bằng, lo lắng chăm sóc từng li từng tí. Lúc dì sinh, chú đi mua dây ngực cho dì. Chú lấy bàn tay chụp vào ngực dì rồi lấy ni mà mua. Nghe chú kể ra tiệm, ai cũng chọc chú , nhưng chú bảo có vợ sắm cho vợ mắc gì mà mắc cở. Ngày sập tiệm thì dì đã có ba con rồi. Chú bị cải tạo một thời gian. Dì theo gia đình chồng về quê. Quê ngoại tôi ở thị trấn còn đỡ, quê chồng của dì ở tuốt tuồn tuột trên Hà Mật, cách ngăn mấy chặng sông đò. Mỗi lần đi chợ phải lội bộ hàng chục cây số. Đường tráng nhựa nóng chảy mà dì đi chân không, vai trĩu nặng gánh khoai đi bán đổi thức ăn mang về. Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng giọng nói của dì vẫn thanh tao, qúi phái. Vẻ duyên dáng vẫn không thể nào mất được. Cái đẹp sắc sảo thì chóng tàn chứ nét duyên khó phai mờ. Khi chú Nhủ được thả về, dì có thêm hai con nữa. Trong nhà gì ngoài cái tủ đứng và cái tủ búp-phê là có vẻ hiện đại, còn ngoài ra không có một cái gì có màu sắc. Toàn là gỗ tạp, chắp vá lung tung. Thế mà mở cái tủ đứng của dì ra. Đồ đạc, quần áo đủ màu sắc rực rỡ. Cái nào treo thì theo ngay hàng, cùng lối. Cái nào xếp cũng góc ngay góc, cạnh ngay cạnh. Như thể cái tủ bán đồ hàng. Dì có nhiều album hình ảnh dì thời con gái. Hình nào cũng yêu kiều, tha thướt. Nhìn mà tôi đau lòng cho dì tôi quá. Những đồ dùng của một thời vàng son, dì nói để dành cho Trâm, con gái đầu lòng của dì. Không bao lâu cả gia đình dì dọn vào trong Long Khánh, tránh xa cái gọng kềm ở miền Trung. Năm tôi đi dệt ở Bảy Hiền. Tết không dám về quê vì sợ bị làm khó dễ. Ở lại nhà chủ thì chắc họ cũng không cấm, nhưng trong những ngày tết như vậy, mình sẽ là vật thừa thãi trong không bầu không khí gia đình của thiên hạ. Nên tôi đi tìm nhà của dì, đã mấy năm rồi không liên lạc. Tôi chỉ biết là gia đình dì ở Long Khánh. Nói đúng ra vì không có nhiều tiền, nên chú Nhủ chỉ mua được một mảnh đất đủ cắm dùi ở vùng Bảo Chánh cách xa thị xã Long Khánh 20 cây số. Nắm trong tay cái địa chỉ mơ hồ, dì Trinh ở gần ga Bảo Chánh, là tôi đi tìm dì trong những ngày cuối năm. Năm đó, em trai của một đứa bạn cùng quê, em cũng là thợ dệt, về vùng kinh tế mới ăn tết. Tôi theo Chiếu về Căn Cứ số mấy đó tôi quên rồi để thăm lại bạn cũ. Bạn tôi nhà khá giả ở thị trấn Vĩnh Điện, theo gia đình vào vùng đất khô cằn đó sinh sống. Cả một vùng đất bao la, không thấy một điểm màu xanh. Vùng đất chết. Không biết gia đình bạn tôi làm gì để sống ? Nhà là một túp lều dựng đơn sơ. Gia đình bạn có một cái sạp ở cái chợ chồm hổm bên kia đường. Luân bạn tôi đang đứng bán sữa đậu nành. Nhỏ không ngờ gặp lại tôi giữa vùng đất chết đó. Hai đứa ôm nhau khóc ròng. Thân phận tôi cũng đâu có sáng sủa gì hơn, trôi giạt tùm lum. Sáng hôm sau nấn ná mãi đến gần trưa tôi mới đón chiếc xe trở vào Long Khánh để đi tìm nhà dì Trinh. Từ Long Khánh ra ga Bảo Chánh phải đáp một chuyến xe nữa. Mỗi ngày chỉ có mỗi một chuyến. Lúc tôi có mặt ở bến xe, thì chuyến xe duy nhất đó đã rước đủ khách. Trên trần, bên hông, sau mui, chỗ nào của chiếc xe lam đều có người lủng lẳng. Được sự góp ý của bà con quanh đó, có hai giải pháp để cho tôi chọn lựa. Hoặc là phải ngủ tạm nhà ai đó qua đêm, chờ đến trưa mai về Bảo Chánh, hoặc là tôi phải đón xe trở lại Căn Cứ vì trên đường đến Căn Cứ có ngang qua cơ quan xã Bảo Chánh. Tôi chọn cách thứ hai, bởi tôi chưa có ai quen ở Long Khánh lúc bấy giờ. Leo lên xe đi Căn Cứ, tôi căn dặn ông tài xế ngang qua xã Bảo Chánh thì cho tôi xuống. Đến cơ quan xã, cửa đóng im ỉm, không ai còn làm việc vào lúc đó. Hỏi thăm người qua kẻ lại chẳng ai biết cái ga Bảo Chánh ở đâu cả. Lội tới lội lui, hỏi riết thì có người biết cái ga đó cách đường quốc lộ I, năm cây số về phía tây. Không có xe cộ nào cả. Trời nghiêng bóng xế từ lâu. Tôi phải quyết định gấp rút, tôi không muốn ngủ lại ở một nơi xa lạ như vậy. Tôi gạ thuê được một người có chiếc xe đạp thồ, nhờ chú chở tôi lên ga Bảo Chánh. Trời ạ, đường thì chưa hẳn là đường, chỉ là một lối mòn, lên đồi, xuống vũng. Lội bộ nhiều hơn là ngồi trên xe. Cuối cùng thì chú cũng đưa tôi đến được ga Bảo Chánh. Nhà ga đó sao, một cái chòi bằng cây ghép tạm đơn sơ. Trống hoách! Không khí về chiều lành lạnh, rừng xanh thẩm u tịch phía sau. Cảm giác bơ vơ, cô đơn, lạc lõng chợt hiện về. Tôi muốn ngồi chệch bệch xuống mà khóc một trận cho nó đã. Ngược hẳn với cái không khí tấp nập của Sài Gòn trong những ngày cận tết, nơi tôi đến im lìm như một bãi tha ma. Rải rác xa xa từng túp lều nhỏ, với những em bé chỉ độc cái quần cộc bồng ẵm em, mũi chảy lòng thòng, phóng mắt nhìn theo người khách lạ. Thăm dò đến chạng vạng thì tôi đã mò ra nhà của dì Trinh. Trong nhà dì lần này không còn hai cái tủ của một thời xa hoa nữa, tất cả đều trở lại thời đại “đồ rừng”. Mấy cái chỏng làm bằng cây, lồi lên lõm xuống. Nhà vách nứa, mái lá, nhỏ xíu, nhưng cân đối dễ thương tựa căn nhà cho các trẻ em chơi bán đồ hàng. Dì có một cái sạp bán rau hành ngoài chợ. Chú Nhủ thì buôn trái cây. Mỗi sáng chú thồ chuối, mít, ... ra chợ Long Khánh theo con đường tắt, xuyên qua mấy cánh rừng thưa. Chiều về, chú lội quanh xã, mua tại vườn của bà con với giá rẻ hơn. Lấy công làm lời là chính. Dòm cái xe thồ của chú mà phát rùng mình vừa thán phục. Hai cái bánh bọc cái gì mà to ơi là to. Cái cổ, cái sườn xe đều chế theo yêu cầu sử dụng. Cột kèm thêm mấy thanh sắt, thanh gỗ, có gì xài nấy, đẩn hết vô cái xe thồ đó. Một điều tôi học được ở chú Nhủ là sự lạc quan vô bờ bến. Chưa bao giờ tôi nghe thấy chú than van oán trách gì ai, hoàn cảnh nào. Với chiếc xe thồ đó, cùng với tấm lòng, chú đã gầy dựng một mái ấm gia đình cho hai vợ chồng và bảy đứa con thơ. Phía chú Nhủ có người cháu trai là sinh viên cao đẳng sư phạm, ra trường bị đưa lên núi, nên bỏ dạy, vào Sài Gòn làm thuê, cũng đang ra nhà dì Trinh ăn tết. Tâm nhỏ hơn tôi vài tuổi, mới gặp lần đầu mà tưởng như quen thân từ lâu. Chúng tôi có một cái tết đầm ấm, đầy đủ mọi thứ về tinh thần, tuy có sự hạn chế về vật chất. Chú Nhủ và dì Trinh đã trút bỏ vai công tử tiểu thư ngày nào để hội nhập vào vai trò mới một cách ngon lành. Trong nhà mọi thứ đều do hai vợ chồng tự làm lấy. Cối xay bột, lò tráng bánh ...Muốn ăn mì Quảng thì ngâm gạo xay rồi tráng mì. Nhưn có gì làm nấy. Bánh tét, bánh chưng không thiếu, chỉ không thấy bánh tổ thôi. Cũng lì xì, cũng đồ mới cho các em. Đêm giao thừa không một tiếng pháo. Trời tối đen như mực. Tiếng dế, ểnh ương hoà lẫn tiếng các loại côn trùng rên rỉ rả. Tôi buồn đứt ruột đứt gan. Dì tôi ngồi một tay bó gối, tay kia dùng đũa trui đẩy củi vào lò, đang nấu ấm nước cúng giao thừa. Chú Nhủ sà đến bên dì, ôm gọn dì lên trong đôi vòng tay lực lưỡng của chú, rồi bế hỏng lên. Từ bé, tôi chưa hề thấy cảnh âu yếm tình tự của những bậc cha chú. Cảnh tượng đó khiến tôi cảm thấy ngồ ngộ. Bếp lửa nổ tí tách, những mảnh than hồng tung toé, hồn tôi lảng đảng ở một nơi xa xăm nào đó, chứ không phải ở một vùng đất khô cằn đen đúa, xa lạ ấy. Sáng mồng một, khỏi sợ xông đất vì chẳng có ai là họ hàng. Đa số người ở quanh đó vừa mới dọn đến, nên ít ai biết ai. Vả lại, dù có quen biết thì cũng chưa đủ thân thiết để thăm viếng nhau. Tâm và tôi lấy hai chiếc xe thồ chở các em đi lòng vòng quanh xóm. Cũng có lô tô, hội xuân, ... Tôi càng thấy buồn không thể tả. Ôi thương quá những con người đã nổ lực đem lại cái không khí tết cổ truyền cho những người tha phương cầu thực. Mồng ba năm đó, Tâm và tôi từ giã gia đình dì, hai đứa lội bộ khoảng mười cây số theo con đường chú Nhủ đi buôn để trở vô Long Khánh. Trên đường đi, hầu hết là xuyên rừng, lâu lâu mới có một vài nhà dân tạm cất đơn sơ để khai phá đất. Khát nước cháy cuống họng, vào gõ cửa xin, biết có người nhưng họ không dám mở cửa. Câu tốt bụng như ngày tết chẳng có chút gì hiệu lực ở vùng đất ấy. Bước thấp bước cao, cuối cùng chúng tôi đà chường ra được vùng hiện đại. Tại đó, Tâm có người dì ruột, họ đón tiếp chúng tôi ân cần. Phía bên chồng người dì của Tâm, là một tay tư bản ở Bảy Hiền. Họ có biệt thự như là dinh các quan lớn ở Long Khánh. Chỉ dòm không là đã cảm thấy cái hơi giàu có bám vào mình rồi. Họ giàu nứt vách, nhưng con cái đều trụy lạc hư hỏng. Những ngôi biệt thự được tậu để phòng hờ khi cần thiết, vẫn cứ đứng trơ đó hứng bụi. Mỗi nhà đều thuê người trông coi. Phải chi dì tôi có được một góc nhà để các em tránh nắng che mưa. Càng thấy xót xa cho Luân người bạn gái tôi, cho gia đình của dì Trinh, cho Tâm và cho cả tôi nữa. Tâm cùng em họ, dẫn tôi đến nhà một thanh niên gốc Hoa. Nhà cửa thật là ngộ, tôi chưa từng thấy. Nói là lều thì đúng hơn, lều mái che kéo chằng chịt thấp tè. Dùng làm chỗ ngủ. Còn ban ngày, hình như gia đình đó sống ngoài vườn. Họ cũng là những tay giàu gộc, nhưng trá hình, không nhà cửa rềnh rang như ông kia. Khu đất rợp đầy những loại cây kỳ lạ, những bông hoa lần đầu tôi thấy. Rồi suối thiên nhiên, tự tạo, tất cả góp phần cho cảnh trí có một không hai đó. Tôi chỉ thấy có mỗi anh con trai, không biết còn có ai sống ở đó không nữa. Giống như đang đọc một câu chuyện trinh thám, thắc mắc quá chừng. Cả khu vườn rộng thênh thang, ở góc nào tôi cũng mê cả. Chúng tôi bốn đứa, ba trai, một gái vào một tiệm hình ở Long Khánh chụp chung một tấm làm kỷ niệm cho sự kỳ ngộ đó. Rồi rủ nhau đi K4 thưởng ngoạn, xem xi nê. Tôi thấy những người đang bị cải tạo nơi ấy. Ngày xuân mà họ vẫn phải lao động, nhìn những người qua lại với đôi mắt khó diễn tả nên lời. Sau đó chúng tôi chia tay nhau, mỗi người một nẻo, chẳng bao giờ có dịp gặp lại. Tôi nhớ không lầm thì chú cao 1mét75 là ít. Trong khi dì tôi tệ lắm cũng 1m50. Vậy mà sao mấy em đứa nào đứa nấy có một cục, vừa lùn vừa thô kệch. Em Trâm lúc nhỏ mắt to tròn, đẹp như búp bê Nhật Bổn. Nhưng mà lúc bấy giờ dòm lại, vẫn đôi mắt to nhưng nằm trên khuôn mặt ngang ngang, đầy mụn. Tôi cảm thấy buồn thấm vào từng tế bào. Hậu quả của một giai đoạn khốn khổ, thiếu dinh dưỡng, lao động vất vả là thế đó. Vùng đất mới khô cằn ấy chưa có trường học, ngoại trừ một lớp mẫu giáo cho các em nhỏ. Do đó, các con của dì không có em nào được học hành. Bươi chải tìm cái ăn để mà sống, nhưng sống như vậy để làm gì hả trời. Gần hai mươi năm rồi mà trong ký ức tôi vẫn hiển hiện rõ ràng từng chi tiết cái tết tôi hưởng chung với gia đình dì Trinh. Tôi trở lại Sài Gòn tiếp tục những ngày tháng lang thang của mình. Những kỳ lễ lớn tôi thường ra thăm dì. Mấy em trai Tấn, Cường, Thịnh rủ tôi đi bắt còng. Tôi thích nhất là mục này. Dòm cái đất ụn lên, là biết phía dưới con một chú còng đang trốn tránh, chúng tôi moi, móc cho bằng được chú còng tội nghiệp ra khỏi nơi ẩn nấp. Dù ở một hoàn cảnh nào, niềm vui luôn ẩn hiện đâu đó. Chuyện là mình có tìm thấy hay là không thôi. Cứ mỗi lần tôi ra thăm dì, là khu đất đó nới rộng thêm, người tụ về thêm. Đã có hai chuyến xe từ Long Khánh-Bảo Chánh mỗi ngày. Miếng đất cắm dùi nhà dì Trinh cũng có phần nới dần ra. Gia đình dì Trinh di chuyển mấy lần. Một lần giải toả khu chợ, một lần lập bến xe. Sau đó có một chút vốn chú Nhủ mua một miếng đất bự hơn, có trồng cây ăn trái. Có hồ nuôi cá, có giếng trong vườn. Mọi việc đang trên đà tiến triển thì dì Trinh phát bệnh. Lúc đầu dì cảm thấy một hột cưng cứng bằng đầu đũa trong ngực. Dì nghĩ là không có gì đáng lo ngại. Cái cục đó lớn dần bằng ngón tay, dì vào Sài Gòn, khám ở nhà thương Nguyễn Văn Học, họ nghi dì đã bị ung thư. Tôi có đến thăm dì vài lần khi dì nằm ở bệnh viện. Tôi vẫn chưa thấy sự nghiêm trọng của bệnh. Đang chuẩn bị thủ tục để giải phẩu, dì nghe lời nói vào nói ra, rằng có mổ cũng chết, không mổ cho nó khoẻ cái thân, nên dì chần chừ. Con còn nhỏ, chú Nhủ vừa phải buôn bán, vừa phải chạy vào ra nuôi dì. Thế rồi cuối cùng dì quyết định không chịu giải phẩu, bỏ trốn về nhà. Ai mà có thể thản nhiên nằm đó chữa bệnh, nên dì của tôi đã chọn cho mình một con đường, một con đường dẫn đến huyệt mộ. Tôi có ra thăm dì vài lần sau đó. Tôi thật hư sự, đi chợ nấu ăn cho dì một bữa, lại mua cá ngừ. Đã thế còn đụng con cá ương ình, dì chỉ cho tôi cách cứu vãn cá ươn. Bệnh đâu có ai ăn cá ngừ bao giờ. Tội nghiệp dì của tôi có con cháu qúy hoá quá. Dì không có vẻ gì của một người mang chứng bệnh ác nghiệt cả. Vẫn vui vẻ, yêu đời. Dì còn lo làm mai mối cho tôi với một anh chàng hàng xóm nào đó của dì. Dì quan tâm việc ế ỏng của tôi lắm. Dì còn hỏi tôi những mỹ phẩm nào để chữa trị mụn cho em Trâm. Dì sắm sửa quần áo cho em chưng diện. Dì kể cho tôi từng món dì sắm cho từng đứa để chuẩn bị mai sau khi chúng nên gia thất mà dì không còn được ở bên cạnh các em. Dì lại sinh thêm một em gái nữa. Không biết có phải vì uống thuốc nhiều quá hay không, em sinh ra đen như cục than. Sinh em xong, bệnh dì trở nặng. Tôi thật không hiểu tại sao dì lại có thể cho ra đời một em bé trong hoàn cảnh như vậy. Thương dì, thương em, thương chú Nhủ, và giận thinh không. Nhớ đêm giao thừa năm nào, nghe tiếng lửa reo, chú Nhủ hớn hở nói với dì “Em thấy không, có điềm rồi đó. Năm tới nhất định làm ăn sẽ khá hơn!“ Tôi thì chả bao giờ tin vào ba cái chuyện tầm phào như vậy, nhưng nghe chú nói tôi cảm thấy an lòng. Sao mà ông trời đoản hậu quá, muốn bắt dì của tôi bỏ lại một bầy con thơ và người chồng tội nghiệp. Cái ngày khá hơn nếu có, còn nghĩa lý gì khi dì tôi không còn nữa trong mái gia đình côi cút ấy. Nghe lời thiên hạ bàn, dì vào Bà Rịa cho thầy nào đó châm cứu. Suốt mấy ngày ăn nằm ngoài đường chờ phiên được thầy chữa bệnh, cái ngực của dì đã nứt ra. Lúc tôi ra thăm dì, ngực dì đã lở loét mất hết da thịt, nhìn vào như hai cái tổ ong. Hai cánh tay dì không còn cử động được nữa. Chú Nhủ lấy bông gòn quấn vào cây thấm từng ô trên ngực dì. Máu mủ nó tươm ra, không mặc áo được phải làm cái mùng như cái lồng bàn chụp chung quanh người dì để ngăn ruồi muỗi. Đêm đó dì rên suốt, chú Nhủ nằm dưới chân của dì canh gác. Tôi xót cả ruột gan. Không có thuốc men gì cả, chỉ toàn là mấy thứ lá gì của cái ông thầy kia cho, để đắp lên cho đỡ đau. Tôi không dám có ý kiến gì, nhưng đau lòng cho dì của tôi quá trời ạ. Chú Nhủ gấp rút mua đất, cất nhà mới cho dì tôi ở. Nhà vừa dựng được mấy cây cột, lợp xong mái. Chung quanh che tạm mấy tấm mành thì dì Trinh của tôi hấp hối. Được tin tôi tức tốc mang mấy cây vải tang liệm ra nhà dì. Dì vẫn nằm đó, không còn hơi để rên nữa. Dì ra mắt về phía dưới chân, mấp máy môi là dì biết cái chết đang từ từ khống chế dì. Từng phần thân thể dì đã lần lượt thoát khỏi sự điều khiển của dì từ lâu. Chân dì lạnh dần, chú Nhủ ôm dì khóc lóc thảm thiết. Mấy em cũng khóc, em bé mới mấy tháng cũng ré lên. Tôi tần ngần ra đó, chứng kiến tử thần mang người thân của mình ra đi vĩnh viễn. Đám tang dì, trời mưa tầm tã. Đường sá lầy lội, áo quần lem luốc. Toàn những người xa lạ, đưa tiễn dì của tôi. Không cha mẹ, không anh em, họ hàng ai cả. Anh chị em đều ở xa, chỉ có tôi và cậu Thanh cùng chồng con dì đưa dì đến một ngọn đồi, mà dì là người đầu tiên yên nghỉ ở đó. Sau này, Cường đứa con trai mà dì thương nhất, với đôi mắt lông mi dài cong vút, không biết vì lý do gì đã tự tử đương lúc chưa tròn hai mươi và xin được toại nguyện nằm cạnh dì. Năm dì mất dì mới ba mươi tám tuổi. Khi tôi trở lại Việt Nam, không ghé ra Bảo Chánh để thăm gia đình dì được. oOo Câu chuyện kể về dì tôi đã kết thúc. Năm ngoái, tháng Mười tôi bị tai nạn sém chết. Tháng Mười tôi đến thế giới nhỏ này, cũng là tháng tôi đến chào thế giới loài người, tháng Mười ngày tôi ra khơi... Chao ơi, tháng Mười đầy tai ương sự cố. Tháng Mười là tháng awareness về breast cancer. Cái nơ hồng không còn là một biểu tượng vô tri vô giác, mà trở nên gần gũi, có tâm hồn. Hồn ma dì tôi dù muốn dù không cứ mỗi định kỳ khám breast thì hiện về. Tôi đã vài lần có bilateral mammogram. Trước khi vào rọi quang tuyến thì tôi phải ngồi trả lời “có” bà con ruột thịt mắc bệnh này với counselor. Kết quả không được báo liền, vì không có sẵn pathologist. Nếu mọi thứ bình thường, không có ai buồn kêu réo. Tôi cũng quen dần sự im lặng sau đó. Năm nào họ cũng gởi giấy về nói kết quả, vô sự nhưng breasts của tôi denser hơn bình thường. Đọc thì đọc, chứ tôi đâu cần biết dense hay không dense để làm gì. Thì đột nhiên lần này, họ gọi báo tôi rằng, trong bốn bản phim rọi breasts vừa rồi, phát hiện có điểm gì đó không bình thường bên ngực phải. Mặc dù đã sống trong trạng thái chờ đợi ở một góc độ nào đó, tôi sững sờ. Không lẽ cái ngày đó đã điểm rồi. Người gọi phone giọng nói thật nhẹ nhàng trấn an tôi rằng, không có điều gì phải lo lắng, họ chỉ muốn kiểm tra lại cho chắc chắn, hầu hết là bình yên vô sự. Bà ta càng nói tôi càng phải nghĩ đến cái điều kinh khủng là tôi đã bị dính rồi. Con đã được gọi mời rồi, Dì ơi. Bầu không khí trở nên đông đặc, chạy lại khung cửa sổ nhìn ra bầu trời, tôi cảm thấy như khỏang không gian đó thu hẹp lại, một sự tiếc nuối bất chợt trào dâng. Nghĩ đến con, đến chồng, đến gia đình còn ở Việt Nam, và bản thân tôi. Hai thằng con của tôi lớn lên không có Mẹ bên cạnh. Thôi rồi, tôi sẽ không còn đựơc săn sóc kề cận bên con trên bước đường khôn lớn thành người, không còn được cùng chồng con chia sẻ những vui buồn của bốn chúng ta. Còn chồng tôi sẽ làm sao khi không còn tôi trong mái nhà này, con người làm đâu xả đó mà ngày nào tôi cũng không ngớt miệng chê. Còn bao lâu nữa tôi được thở cái bầu không khí này. Tôi sẽ về đâu? Thế giới mà tôi sắp đến có đau khổ, có luyến lưu gì đến những ngày tôi đã sống tại thế gian này? Rồi sự vật vã trước cái chết. Thân xác rồi sẽ mục ruỗng, còn linh hồn tôi sẽ thế nào đây? Ngôi nhà này tôi có còn nhìn thấy? Tất cả những kỷ niệm tôi từng nâng niu sẽ về đâu? Rùng mình, ớn lạnh, tôi sợ chết quá trời ơi! Nhớ về phút cuối của ông Ngoại, của Ba , của Dì, tôi muốn biết lúc đó họ suy nghĩ như thế nào? Có ý niệm gì về biên giới sống và chết? Tôi nhớ những cuốn phim đã xem qua, người vừa chết sẽ cảm thấy mình bị cuốn hút vào một cõi hình phễu nào đó. Có người đã chết rồi mà vẫn chưa biết là mình đã chết cứ bám víu vào chốn dương gian...Tôi sắp biết thế nào là cảm giác. Và sau này có ai muốn biết tôi đã đang nghĩ gì giữa lằn ranh đó? Và làm sao tôi kể lại được, hỡi người. Tôi chợt nghĩ về những tên tội phạm trước giờ tử hình. Mái tóc này rồi cũng biến đi, có kịp đủ dài để dành cho chính tôi? Ngực này đã nuôi lớn các con tôi cũng phải cắt bỏ đi. Phương diện thẩm mỹ tôi không màng, mà tôi chỉ cảm thấy đau xót khi một phần thân thể sắp vĩnh viễn bỏ tôi. Mới ngày nào tôi chỉ bị mẻ một tí răng mà tôi đã buồn cả một thời gian dài. Tất cả đua chen ganh ghét bỗng chốc tan biến. Tôi chuẩn bị một tư thế chấp nhận sự thật. Ngày họp phụ huynh học sinh cho con, lúc nói chuyện với các cô nước mắt tôi rưng rưng. Tôi không biết tôi sẽ được dự bao nhiêu lần như thế nữa. Tôi muốn hét to lên với thiên hạ rằng tôi sắp chết đây, nhưng mà phần còn lại của tôi không muốn ai thương hại tôi cả. Rồi một ngày nào đó, chồng con tôi có cảm nghĩ gia đình tí hon này sẽ thoải mái hơn nếu không có tôi nằm đó rên la chờ đợi tử thần đến rước. Rồi tôi sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Chồng tôi yêu thương tôi lắm, anh đã đổ nước mắt khi nghe tôi báo tin buồn. Sửng ra một hồi, anh trấn an tôi, có anh đây, đừng lo, anh sẽ cùng tôi vượt qua chặng đường đó. Anh bảo tôi lặp lại chính xác họ đã gọi tôi như thế nào, như để tìm thấy một chút gì đó hy vọng. Hiểu lắm, nghe tiếng Anh thì hiểu mà biểu lặp lại chính xác thì quên tuốt luốt, nên quạu quọ tôi trả lời, thì đại khái là họ nói có cái gì đó không bình thường, cần kiểm tra lại. Hai đứa con tội nghiệp của Mẹ. Út thì vẫn cười hỉ hả, thấy tôi khóc thì trố mắt nhìn. Tủn rối rít hỏi Mẹ, -Mẹ ơi, tại sao Mẹ khóc ? -Mẹ sắp phải bỏ các con mà đi xa rồi! -Tại sao vậy Mẹ, ai bắt Mẹ đi ? -Mẹ mắc bệnh nặng con ơi. Tủn vội vã đi lấy nước cho Mẹ uống, vì mỗi khi Tủn bị sốt Mẹ hay ép con uống nhiều nước. Tủn vừa khóc vừa mời Mẹ uống nước. Út nhào ôm chầm lấy Mẹ, Mẹ giả vờ nằm im. Tủn thảng thốt vất ly nước, lay Mẹ, miệng la hét đổ tội Út. “You did it!“ Ý nói là Út đã chặn tôi nghẹt thở. Tủn cuống cuồng chạy tới chạy lui, kéo tay kéo chân tôi. Trời ạ, tưởng tượng đó là giờ phút lâm chung, tôi làm sao mà đi được với tiếng con thơ thảng thốt như vậy. Vài ngày sau tôi nhận được lá thư từ bệnh viện, nơi tôi phải làm mammogram lại. Thư giải thích “the radiologist recommends that you return for special views of the right breast” và “such further evaluation usually turns out to be normal.” Qua ngày đầu hoảng hốt tôi đã lấy lại bình tỉnh. Cái gì đến nó sẽ đến thôi. Họ làm tôi cái hẹn vào ngày 4 tháng 11 tái khám. Nhưng vài ngày sau đó, họ báo là họ làm thêm ngày thứ bảy cho nên cho hẹn mới sớm hơn nửa tháng. Tám giờ sáng chúng tôi phải có mặt tại bệnh viện làm thủ tục. Cũng nơi đây hai con tôi đà ra đời, cũng nơi đây mấy lần tôi nằm trên xe cấp cứu. Lần này đây, cả gia đình tí hon cùng với tôi đến. Khi ra về, mọi thứ sẽ ra sao? Tôi không còn sợ hãi nữa, có điều tôi cảm thấy buồn buồn. Nếu như hôm nay tôi positive thì trung bình là năm năm nữa ... Ngày đó Tủn mới 12, Út mới 10. Chao ơi! nhưng cũng đành vậy thôi. Chúng tôi là những người đến đầu tiên trong phòng chờ đợi. Sớm hơn cả nhân viên làm việc ở đó. Trong phòng, toàn là những hình ảnh, tin tức về bệnh breast cancer. Tôi có đọc một bài thơ hay quá là hay. Chỉ có những người cùng cảnh ngộ, hoặc đang bị đe doạ sẽ chung một số phận mới có thể thấm thía từng chữ của bài thơ đó. Tôi được gọi vào, lần này chỉ chụp lại ngực bên phải. Tôi ngồi chờ kết quả có phải chụp lại hay không. Nhân viên X-ray trở lại bảo tôi mặc áo vào, phim rõ và bà ta đem lên radiologist xem. Vậy là có kết quả trong một vài phút tới đây. Chồng con tôi chờ đợi bên ngoài. Đầu óc tôi ráo hoảnh, không lo âu không sợ sệt gì cả. Mới hôm đọc tin tức rằng tháng Mười là tháng Breast Cancer Awareness, bàng quan như thể đọc tin động đất ở vùng nào đó xa thật xa, chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Ngay hôm sau đó, cái chuyện mà ai cũng có thể dính thì tôi lại ôm hết về cho một mình mình. Tôi đã rên rỉ, buồn phiền như là bị thương ngay tim. Vì ngực tôi denser hơn trung bình rất khó xét đoán qua phim. Năm nào tôi cũng nghe nói là breast tissue của tôi somewhat denser hơn bình thường mà “the denseness can hide very small abnormalities and make the interpretation of a mammogram more difficult.” Mới lúc nãy tôi đọc ở phòng chờ đợi là những người có tissue dense có tỷ lệ cancer cao hơn. Lại có thân nhân mắc bệnh, và chưa có con trước tuổi 30, là những yếu tố kết hợp lại khiến tỷ lệ dính bệnh này trong tôi có khả năng cao. Khi bà ta trở lại, với vẻ mặt vui vẻ bà thông báo rằng mọi thứ bình an vô sự. Bà đem hai tấm phim cũ và mới chỉ cho tôi xem. Lần sau, họ đã dùng loại phim khác để chụp lại. Trong tấm cũ tôi thấy hiển hiện một vùng trắng lờ mờ, trong tấm mới không thấy gì cả. Bà chúc mừng tôi, tôi cám ơn theo phép lịch sự. Thực ra tôi không cảm thấy vui hay là buồn nữa, chỉ biết chắc chắn là lòng nhẹ nhõm. Tôi muốn nói với bà lời cám ơn về sự kỹ lưỡng điều tra bệnh tình, thà lầm để phải căng thẳng một khoảng thời gian, nhưng vẫn tốt hơn là bỏ sót để rồi hối tiếc và mất mạng, nhưng tôi lặng thinh. Lúc tôi bước ra, chồng tôi vẫn cứ tưởng về nhà chờ vài hôm mới có kết quả. Anh hỏi bao giờ mới biết. Tôi cố nín cười, đóng bộ mặt thiểu não, không được mấy giây thì tôi nói, đã có kết quả rồi, cancer free. Cu Tủn chót chét hỏi, Mẹ ơi, bác sĩ đã destroyed cancer rồi hả Mẹ? Hì hì, cancer nó có apologize Mẹ không? Tội nghiệp cu Tủn của tôi, mới tối hôm qua nó đòi ngủ với tôi để thoa ngực cho Mẹ nhằm đuổi cancer giống như đuổi ruồi đuổi muỗi vậy. Nó xoa mãi mỏi tay, nó lấy chân mà xoa tiếp, xoa đến lúc ngủ quên mới thôi. Tôi đã sống qua tâm trạng chết đi sống lại nhiều lần, lần nào tôi cũng nhất định từ nay sẽ qúy trọng nhữnng gì mình đang có, cứ sống như sống trong những giây phút cuối cùng của đời mình, để cõi lòng rộng mở hơn. Tôi biết là đâu cũng sẽ vào đó, con người lại tiếp tục lẩn quẩn trong vòng danh lợi, nhưng dù sao lần này tôi ý thức rõ nét hơn về sự sống và sức khoẻ quý giá vô cùng. Và qua đó tôi có dịp cảm nhận rõ ràng tấm tình chồng con tôi đã dành cho tôi. Mấy hôm trước tôi không buồn tìm hiểu về căn bệnh này. Tôi chờ tiếng “yes” từ bác sĩ thì tôi mới sẽ bắt đầu một hành trình mới. Tuy vậy, sau khi có kết quả, dù vô sự, sự cảm thông nỗi đau đớn của một bệnh nhân thôi thúc tôi tìm hiểu tâm trạng của những người đã và đang vật lộn để duy trì hơi thở của mình. Nghe rằng ai nấy đều sợ hãi khi biết rằng mạng sống đang treo lơ lửng. Tìm hiểu và biết là tất cả ai nấy đều bàng hoàng lần đầu nhận tin, nhưng rồi họ đã chiến đấu để chiến thắng con bệnh hiểm nghèo này. Thoát qua khỏi một cửa chưa hẳn là lành mãi. Tôi viết những dòng chữ này không nhằm hú hoạ sự thương tâm, cảm xúc mà chỉ muốn cảnh giác chính tôi và những người chung quanh tôi rằng, chứng bệnh này không “dành riêng” cho ai cả, đàn ông cũng bị breast cancer (điều này lần đầu tiên tôi biết sau khi tìm hiểu các nguồn tin sẵn có), bất kể ở lứa tuổi nào, ở đâu, dòng giống nào. Kiểm tra sức khỏe hàng năm, tự kiểm tra định kỳ mỗi tháng hầu phát hiện sớm ngày nào hay ngày đó. Riêng những bạn đã và đang kiên trì chống chỏi với con bệnh, tôi xin chân thành gởi đến các bạn lời chúc lành tin yêu tràn đầy hy vọng cùng sự cảm thông sâu xa sự thử thách về tinh thần, thể xác và vật chất mà các bạn đã và đang chịu đựng để vượt qua các ải gian nan hiểm ác đó. Đồng thời cho tôi biểu lộ lòng cảm phục, qúy mến đến tất cả thân nhân đã hết lòng hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc để giúp bệnh nhân an tâm, thêm sức mạnh trên con đường đấu tranh giành mạng sống với tử thần. Michigan, tháng Tư năm 2006 |